Đừng “đánh trống bỏ dùi”
Trong khi tình hình cháy nổ hiện nay vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì mới đây con số báo cáo của TP Hà Nội, chỉ có vài chục trên hàng nghìn cơ sở nhà trọ, chung cư mini khắc phục các tồn tại phòng cháy chữa cháy khiến không ít người trong chúng ta phải giật mình.
Cụ thể, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, năm 2023, TP mới có 66/2.980 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.
Như vậy, với chỉ tiêu được giao trong năm 2023 là hoàn thành ít nhất 30% (tương ứng với 894 cơ sở), mới đạt 7,3%, lũy kế từ các năm trước mới hoàn thành 278 cơ sở… Đối với thực hiện Kế hoạch 234/KH-UBNDTP (ngày 15/9/2023) về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ, qua rà soát, đánh giá của các quận, huyện, xã, phường cho thấy hầu hết các cơ sở không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Xin được nhắc lại về thảm họa cháy chung cư mini ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân, ngay sau đó Thủ tướng đã có Công điện chỉ đạo, UBND TP ban hành Kế hoạch 234 tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ; Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 7320 hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, cấp phép, xử lý công trình vi phạm theo quy định… Quá trình thực hiện đã 5 tháng qua nhưng đến nay còn nhiều quận, huyện vận chậm trễ, chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, 7 đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện, gồm Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoài Đức và Mỹ Đức.
Rõ ràng, qua đó cho thấy những chỉ đạo từ các cấp T.Ư, TP là quyết liệt, cụ thể. Hơn thế, ngay trong Kế hoạch 234 cũng nêu rõ “Đơn vị, địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, không bảo đảm tiến độ đề ra, để sót lọt cơ sở thuộc diện kiểm tra, rà soát thì thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thành ủy, HĐND, UBND TP”. Tuy nhiên, với báo cáo nêu trên, đây là con số khó có thể chấp nhận khi mà số vụ cháy đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Về nguyên nhân chậm trễ trong công tác kiểm tra xử lý, một số lãnh đạo quận, huyện đưa ra lý do, các cơ sở khó khắc phục khi mà chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng của công trình; về khoảng cách an toàn với các công trình xung quanh; lối thoát nạn; chung cư mini vi phạm về mật độ xây dựng; do hầu hết các công trình trong diện kiểm tra đều chưa có giấy phép xây dựng, hoặc chủ đầu tư vắng mặt, đã cho đối tượng khác thuê lại. Một số công trình sau khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư đã bán cho người khác qua hợp đồng viết tay, hoặc cho đơn vị thứ 2, thứ 3 thuê lại toàn bộ công trình để kinh doanh, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm khắc phục vi phạm…
Có thể nói, nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả do hỏa hoạn gây ra, chỉ những đợt kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng sẽ là không đủ nếu ý thức của chủ đầu tư không thường xuyên và liên tục đối với công tác PCCC. Đặc biệt, trong thực tế hiện nay các công trình hầu hết đều có sự sai lệch khi cấp phép xây dựng một đằng, đến khi hoạt động lại với mục đích… một nẻo.
Một chuyên gia về PCCC cho rằng, vi phạm PCCC tại các “chung cư mini”, nhà trọ nếu một lần bị bỏ qua, thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý, vì lý do nào đó cũng có thể trở thành một lần tước đoạt đi cuộc sống của nhiều người, khi rủi ro hỏa hoạn ập đến. Công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá để có những giải pháp phòng ngừa là cần thiết đối với tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là an toàn cháy nổ.
Thế nhưng, với con số chỉ 7,3% cơ sở được khắc phục tồn tại PCCC cho thấy việc này các cơ quan có thẩm quyền còn chưa làm tốt, còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, chỉ đến khi sự đã rồi lại mới “giật mình” nhớ đến văn bản đã ban hành yêu cầu rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng thì quả là đáng tiếc!
Nguồn: Kinh tế đô thị