Tuy Phong: Nguy cơ cháy nổ cao tại các khu dân cư
Huyện Tuy Phong có 2 thị trấn cùng hàng chục khu dân cư và cả ngàn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, một bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC)…
Tuy Phong hiện có 65 khu dân cư, trong đó có 5 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao và 38.754 nhà ở hộ gia đình (chỉ để ở), 962 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trước nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành và các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các đội viên đội PCCC cơ sở trên địa bàn huyện. Hướng dẫn cơ sở xây dựng cụ thể phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ và tổ chức tự thực tập phương án chữa cháy tại cơ sở; hướng dẫn, vận động các hộ có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”.
Đến nay, Tuy Phong đã xây dựng 39 Tổ liên gia và 41 điểm chữa cháy công cộng. Nhận thức về công tác PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã có chuyển biến tích cực và được nâng cao. Từ năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức 1.100 lượt kiểm tra việc đảm bảo PCCC, qua đó đã kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính 16 trường hợp, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở.
Kết quả trên cho thấy, ý thức chấp hành về công tác PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, người dân còn hạn chế. Người dân chỉ quan tâm, đặt nặng đến lợi nhuận kinh tế mà chưa thật sự quan tâm thực hiện trách nhiệm PCCC và cứu nạn cứu hộ, không khắc phục các tồn tại, vi phạm đã được cơ quan quản lý kiểm tra, kiến nghị.
Bên cạnh, nhiều cơ sở chưa chủ động bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn cháy nổ, trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm cần thiết, còn tâm lý chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác PCCC tại nơi ở, nơi kinh doanh sản xuất. Việc trang bị phương tiện PCCC còn mang tính đối phó, chưa chủ động tự giác, tự nguyện tham gia các hoạt động PCCC tại khu dân cư, còn né tránh, sợ trách nhiệm. Trong khi đó, việc mở lối thoát nạn thứ 2 đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh không được thuận lợi do đa phần nhà ở trong khu dân cư, xung quanh đã được xây dựng hoàn thiện, không có phần dư đất sử dụng để chủ hộ mở lối thứ 2. Vì giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa trộm cắp nên nhiều hộ chưa mạnh dạn mở lối thoát nạn thứ 2, hoặc lối thoát nạn khẩn cấp. Ngoài ra, có một số cơ sở kinh doanh có diện tích nhỏ, thường tận dụng tối đa diện tích sàn và không gian nhà để chứa hàng hóa, chiếm gần hết lối đi thoát nạn, thậm chí tận dụng cầu thang để chứa hàng hóa dẫn đến hình thành môi trường nguy hiểm cháy nổ tại vị trí thoát nạn.
Theo UBND huyện Tuy Phong, tình hình cháy nổ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do kinh tế – xã hội ngày càng phát triển. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC, giảm thiểu tới mức thấp nhất số vụ cháy xảy ra trên địa bàn, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, huyện sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn PCCC. UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện và UBND các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra, phúc tra việc thực hiện công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở thuộc diện quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm những tồn tại, vi phạm về an toàn PCCC theo quy định.
Huyện Tuy Phong cũng đặt ra yêu cầu chú trọng công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng phục vụ chữa cháy (giao thông, nguồn nước), đầu tư, trang bị phương tiện PCCC; chế độ, chính sách cho lực lượng làm công tác PCCC. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng làm công tác PCCC tại cơ sở nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”, sát hợp với thực tế tại từng cơ sở.
Nguồn: Báo Bình Thuận