Hiệu quả đường ranh cản lửa phòng cháy, chữa cháy rừng

03/23/2024

Thời tiết tại thành phố Kon Tum đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Các địa phương có rừng trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Đặc biệt là chủ động tạo đường ranh cản lửa, chủ động PCCCR theo khu vực.

Cuối tháng 2/2024, tại Tiểu khu 568, xã Chư Hreng xảy ra vụ cháy rừng. Vị trí xảy ra cháy rừng ở trên đồi núi cao, xa khu dân cư, đường đi rất khó khăn với nhiều dốc cao, khó tiếp cận đám cháy. Vụ cháy đã thiêu rụi 3ha rừng chủ yếu là cỏ lau, tranh, thảm thực vật và cây trồng của người dân.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Chư Hreng cho biết: “Chúng tôi huy động khoảng 50 người để tổ chức dập đám cháy. Vì diện tích rừng bị cháy chủ yếu là thảm thực vật, cỏ tranh nên đám cháy bùng phát rất nhanh, rất khó dập tắt. Do đó, xã đã chủ động triển khai lực lượng tạo các đường ranh cản lửa để bao vây, ngăn chặn đám cháy lan ra diện tích xung quanh. Đối với xã Chư Hreng, ngay từ trước Tết Giáp Thìn 2024, chúng tôi đã tổ chức lực lượng làm các đường ranh chống cháy nên khi phát hiện đám cháy, lực lượng PCCCR và người dân kịp thời dập tắt lửa khi đám cháy lan qua các đường ranh, giúp giảm bớt thiệt hại do đám cháy gây ra”.

Hiệu quả đường ranh cản lửa phòng cháy, chữa cháy rừng

Tùy vào từng loại rừng, loại địa hình khác nhau mà đường ranh chống cháy cũng được làm cho phù hợp, mục đích để bao vây một khoảng diện tích nhất định để dập tắt đám cháy, không để đám cháy lan ra diện rộng. Theo ông Phạm Huy – cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Chư Hreng, đường ranh cản lửa có 2 loại. Đường ranh trắng là loại thực hiện bằng cách sử dụng máy múc thành đường ranh. Đường ranh này thường rộng từ 8 – 12m, bên cạnh ngăn đám lửa cháy lan qua phần diện tích khác thì đường ranh này cũng giúp cho phương tiện vận chuyển lực lượng, phương tiện tiếp cận được tới vùng diện tích xảy ra cháy để bao vây dập lửa. Một loại đường ranh khác được tạo ra bằng việc phát dọn thực bì trực tiếp trên diện tích rừng, rộng từ 12 – 15m chủ yếu thực hiện trên diện tích rừng trồng, diện tích giáp ranh với nương rẫy của người dân. Đường ranh này phải phát dọn thật rộng, sạch để ngăn không cho lửa cháy lan ra.

Trồng 5ha cao su tại Tiểu khu 568, xã Chư Hreng, vụ cháy vừa qua làm gia đình anh Đoàn Đăng Ngôn, thôn 4, xã Chư Hreng bị thiệt hại gần 1.000 cây cao su 2 năm tuổi. Theo hướng dẫn của kiểm lâm địa bàn, gia đình anh Ngôn đang làm đường ranh cản lửa để chủ động phòng, chống cháy, bảo vệ cao su trong thời gian tới và những năm tiếp theo. Tại khu vực triền đồi, ngoài bìa rẫy cao su anh sử dụng máy múc để tạo đường ranh trắng, đồng thời phát dọn thực bì để tạo các đường ranh trong rẫy cao su.

Anh Đoàn Đăng Ngôn cho biết: “Nhận thức được mức độ nguy hiểm do cháy rừng gây ra, gia đình tôi phải chủ động thực hiện các biện pháp PCCCR, thường xuyên đi thăm rẫy, phát dọn thực bì, dọn sạch các đường ranh cản lửa, sẵn sàng chống cháy bất cứ lúc nào”.

Bên cạnh phát dọn thực bì, tạo các đường ranh cản lửa, xã Chư Hreng lập 2 chốt canh, phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các vị trí trọng yếu ở các diện tích rừng trên địa bàn; luôn chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, dụng cụ để tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm nay. Vận động những hộ có diện tích rẫy xen lẫn diện tích rừng thực hiện làm các đường ranh chống cháy theo hướng dẫn của kiểm lâm địa bàn. Trong trường hợp đốt làm rẫy thì báo cáo xã để cử lực lượng tham gia hỗ trợ, kiểm soát đám cháy, không để ảnh hưởng tới diện tích rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng do cháy rừng gây ra”.

Nguồn: Báo Kon Tum Online