Người lao động được vay qua bưu điện để duy trì đóng bảo hiểm xã hội

01/20/2024

Khách hàng có nhu cầu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội được vay không tài sản đảm bảo tối đa 120 triệu đồng, trong 84 tháng, qua Vietnam Post.

Chiều 19/1, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) ra mắt sản phẩm tín dụng an sinh xã hội cho khách hàng có nhu cầu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.

Mục tiêu của gói tín dụng là giúp người lao động mất việc, thất nghiệp tạm thời hoặc đã hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện để được hưởng lương hưu có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn phù hợp, giảm tải áp lực tài chính trước mắt, từ đó tránh việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Gói tín dụng này gồm 3 sản phẩm, gồm: cho vay không tài sản bảo đảm với người đến tuổi nghỉ hưu; cho vay không tài sản đảm bảo với người đang tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và có người bảo lãnh; và cho vay trả góp không tài sản đảm bảo cho người gần đủ tuổi nghỉ hưu và gần đủ năm đóng bảo hiểm.

Người lao động được vay qua bưu điện để duy trì đóng bảo hiểm xã hội

 

Ông Ngô Đăng Hoan, Phó giám đốc khối khách hàng cá nhân của PVcomBank, cho biết, quy mô của gói tín dụng triển khai trong năm 2024 là 3.100 tỷ đồng và “có thể mở rộng tùy tình hình”. Mức lãi suất từ 8,5% một năm tùy theo nhóm khách hàng.

Người dân có thể tiếp cận khoản vay với thời gian tham gia bảo hiểm còn thiếu tối đa lên tới 10 năm; mức vay tối đa là 120 đồng một người, thời gian ân hạn gốc lên tới 3 năm; thời hạn vay đến 84 tháng.

Người vay cũng không bị yêu cầu các điều kiện về mức lương tối thiểu, thu nhập tối thiểu, xếp hạng tín dụng. Các khách hàng lựa chọn sản phẩm vay bảo hiểm xã hội cũng được PVcomBank tặng bảo hiểm sức khỏe trong toàn bộ thời gian vay.

Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, giải pháp tín dụng này góp phần ổn định mạng lưới mưu sinh quốc gia, hạn chế hoạt động tín dụng đen. PVcomBank là đối tác đầu tiên mà doanh nghiệp hợp tác triển khai sản phẩm trên 28 địa phương.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đánh giá, gói tín dụng đáp ứng được các mục tiêu về phát triển, mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, trong đó có việc giữ chân người lao động ở lại lưới an sinh, đảm bảo thu nhập lâu dài.

Đại dịch Covid-19 và tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, người lao động. Điều này khiến một lượng lớn lao động phải rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống.

Giai đoạn 2016-1021, hơn 4,25 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 4,06 triệu người rút một lần khiến lưới an sinh ngày càng mỏng.

Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại báo cáo đầu tháng 3/2023.

Trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh, dự báo đạt 23,3 triệu (chiếm 20,9% dân số) vào năm 2040, tình trạng rút một lần gia tăng khiến độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp. Tương lai, ngân sách nhà nước phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không hưu trí.

Nguồn: VnExpress